mKetNoi.net- Mobile Entertainment Center- Chat, GameMobile, Ung Dung, Nhac Chuong, Hinh Nen, Video, Doc Truyen, Tien Ich, Thu Thuat, WapMaster- Tat Ca Deu MIEN PHI
Có nhiều nguyên nhân khiến đứa trẻ phải chào đời sớm như mẹ mang song thai, mẹ có sẵn bệnh hoặc cả do việc bố mẹ “chiến đấu” không nương nhẹ khiến thai bị động.
Tại Khoa sơ sinh Bệnh viện Phụ sản Trung ương, mỗi ngày tiếp nhận trên dưới 5, 6 ca sinh non. Hiện tại, Khoa sơ sinh bệnh viện này đang phải thường xuyên chăm sóc cho từ 130 đến 160 cháu sinh non trong khi hiện tại chỉ có hơn 100 giường bệnh. Do đó, rất nhiều giường, 2 cháu phải nằm chung. Cháu nào cũng chi chít các kim tiêm truyền, dây rợ, ống xông để đưa sữa vào dạ dày cũng như những ống bơm sữa tính từng ml to ngang ngửa “chủ nhân” của nó.
Nguyên nhân khiến trẻ sinh non ngày một nhiều lên, theo BS Nguyễn Thanh Hà, trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, là do khoa học kỹ thuật ngày một phát triển. Nếu như những trường hợp dưới 26 tuần, nặng dưới 1kg trước đây sẽ bị xem là sẩy thai, bệnh viện sẽ không tập trung vào cứu chữa, thì giờ đây, với nhiều phương tiện hiện đại, có thể nuôi dưỡng và cứu sống được các cháu, thì những ca sẩy thai đó sẽ không dừng lại ở việc bác sĩ và gia đình nhìn đứa trẻ chờ chết nữa, mà sẽ tập trung vào cứu chữa.
Ngoài ra, việc người mẹ mang bầu trong tình trạng bệnh tật, sinh đôi hay quan hệ không đúng cách cũng sẽ khiến đứa trẻ có nguy cơ sinh non.
Con sinh non vì bố mẹ mải “chiến đấu”
Bé Lê Văn C, hiện đang được điều trị tại khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai buộc phải chào đời sớm khi mới 29 tuần tuổi. Bé ra đời khi chỉ nặng xấp xỉ 1kg, nguyên nhân là do bố mẹ còn quá trẻ, lại “sinh hoạt” không cẩn thận, quá mạnh nên bị động thai. Trước đó, bé C. còn có 1 người anh chưa đầy 1 tuổi.
Ra đời trong hoàn cảnh bất đắc dĩ như vậy nên sức khỏe bé C hiện rất yếu, phải thở máy và thường xuyên trong tình trạng thập tử nhất sinh. Theo hộ lý Oanh, người đang chăm sóc cho bé, thì bé C sức khỏe yếu hơn những bé khác do sức đề kháng kém, nhiễm khuẩn, phù thũng bì toàn thân và phải theo dõi từng phút một.
Khi chúng tôi đến thăm bé C, bé đang nằm lồng kính, xung quanh có rất nhiều máy móc hỗ trợ. Hiện bé vẫn còn phải dùng máy thở, nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch rốn đồng thời được các y tá cho làm quen với sữa để hệ tiêu hóa phát triển. Để kiểm tra xem bé có thích ứng được với sữa và tiêu hóa có tốt hay không, các y bác sĩ nơi đây còn phải đo lượng sữa đưa vào là lượng chất thải bé C thải ra qua việc cân bỉm. Nếu việc tiêu hóa tốt, bé sẽ được cho ăn hợp lý hơn để đảm bảo sức khỏe.
Cũng phải nằm viện một tháng vì sinh non là bé Phạm Đức Sơn, con anh Phạm Đức Lam, khu 2 xóm Bàng, Mê Linh, Hà Nội. Bé sinh non lúc 32 tuần, cân nặng 1,1kg vì mẹ bị rau tiền đạo trung tâm.
Trong một tháng nằm viện, anh Lam đã không ít lần thót tim khi bé có 3 lần gặp nguy hiểm như nhiễm khuẩn và có cơn ngừng thở phải cấp cứu. Song, nhờ sự chăm sóc của bác sĩ, sau 1 tháng nằm viện, bé Sơn đã được xuất viện với cân nặng 2,4kg và mỗi lần bé đã uống được 30-40ml sữa.
Anh Lam cho biết: “Chi phí cho đến bây giờ gia đình đã tiêu hết 30 triệu đồng và chắc là chưa dừng lại. Cháu vẫn còn bị ho, vẫn phải uống thuốc bổ bác sĩ kê. Tôi rất lo lắng. Đến giờ phút này chưa nói được điều gì vì bé còn non, phổi chưa hoàn chỉnh lắm”.
Nguy cơ đẻ non cao khi mẹ mang thai đôi
Rất nhiều ca sinh non tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương là do mẹ mang thai đôi. BS Hà cho biết: “Một ca sinh đôi, là con trai, cân nặng 700g và 900g cũng vừa ra viện gần đây. Người mẹ đẻ non khi thai mới 26 tuần tuổi. Từ phòng mổ mang lên đây, chúng tôi đã ngay lập tức phải đặt ống nội khí quản, cho hai bé thở máy luôn. Đây cũng là một ca khó khăn vì cả hai đều mắc các bệnh như các trẻ sinh non khác như bệnh võng mạc, khó khăn về ăn uống. Cả hai bé vừa phải mổ mắt và tiêm kháng sinh về bệnh này.
Hai bé này ăn uống rất khó vì cấu tạo tiêu hóa chưa hoàn chỉnh, thiếu các men tiêu hóa, dạ dày nhỏ và nằm ngang. Đứa trẻ lại thiếu oxy, thiếu dinh dưỡng nên ruột cũng thiếu dinh dưỡng theo, dễ bị hoại tử”.
Trong 2,5 tháng nằm viện, người nhà chỉ được vào thăm nuôi trong điều kiện hết sức nghiêm ngặt như phải rửa tay, ngâm tay diệt khuẩn… Tất cả phải đảm bảo vô trùng để tránh bé bị nhiễm trùng, do sức đề kháng còn yếu. Thậm chí thời gian vào thăm chỉ là chốc lát. Nhưng rất may với người mẹ và gia đình là cả hai bé đều đã được xuất viện trong tình trạng khỏe mạnh.
Kém may mắn hơn là ca sinh đôi 2 gái của một gia đình ở Bắc Ninh. Người em nặng 600g còn người chị nặng 500g. Sau 1 tháng nuôi trong lồng kính, người chị bị viêm ruột hoại tử đồng thời lại bị chứng động kinh nên đã không qua khỏi. Người em song sinh nặng 600g đã may mắn sống sót và được ra viện sau một thời gian chăm sóc bằng chế độ đặc biệt.
Mỗi đứa trẻ sinh cực non được cứu sống là niềm vui khôn tả đối với các bác sĩ bởi mỗi bé đều phải đối mặt với nhiều nguy cơ bệnh tật do các cơ quan trong cơ thể chưa phát triển hoàn thiện. “Cùng một lúc, các bác sĩ phải am hiểu nhiều chuyên khoa, phải áp dụng nhiều kỹ thuật “cao của cao” mới có thể chữa bệnh trên một cơ thể bé xíu, trong veo, nhìn rõ từng mạch máu đến thế” - BS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai bình luận về việc cứu những đứa trẻ sinh non mà các BS Nhi đang làm.
Trong năm 2010, khoa Sơ sinh Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã điều trị và nuôi dưỡng thành công 47 trẻ cực non dưới 1000g. Trong đó có 1 trẻ nặng 500g, 3 trẻ cân nặng 600g, 6 trẻ cân nặng 700g và 37 trẻ cân nặng 800-900g.