mKetNoi.net- Mobile Entertainment Center- Chat, GameMobile, Ung Dung, Nhac Chuong, Hinh Nen, Video, Doc Truyen, Tien Ich, Thu Thuat, WapMaster- Tat Ca Deu MIEN PHI
Thân Người Khó Được - Phật Pháp Khó Nghe - Chia Sẻ Phật Học
Phật học
Thân Người Khó Được - Phật Pháp Khó Nghe
Nhiều vị tưởng làm lợi ích cho mình cho người là làm giàu, có nhiều tiền. Không phải vậy. Với tâm lúc nào cũng muốn đem lại sự tốt đẹp cho mình, cho người thì sống trong hoàn cảnh nào ta cũng làm được. Ví dụ thấy bà cụ bảy tám mươi tuổi qua đường, xe cộ dập dìu cụ không dám qua, chúng ta chỉ cần dắt tay đưa bà qua đường. Đó là tốt, là có phước rồi. Việc làm này đâu đòi hỏi phải có tiền, chỉ một chút công thôi cũng đủ có phước. Gặp một đứa trẻ đi học, chạy chơi vấp té, chúng ta đỡ nó lên, phủi quần áo sạch, đâu tốn công bao nhiêu mà lại là một hành động tốt. Thấy ngoài đường người ta bỏ rác dơ, mình lượm vào đốt hoặc chôn, đó là hành động tốt. Không cần ai biết, ai khen, mỗi ngày mình đều làm đẹp cho bản thân, làm đẹp cho xã hội, đó là ta khéo tu, khéo sử dụng thân này.
Đồng thời đối với thân, miệng, ý của mình, chúng ta làm được việc gì có lợi chung cho mọi người thì làm. Miệng nói những lời tốt khiến mọi người an vui. Ý nghĩ tới tình thương, hỷ xả, nghe lời phiền trách chửi rủa, mình đều bỏ qua không giận. Thân giúp đỡ ai được việc gì đều vui vẻ làm không nệ khó nhọc. Đó là người khéo dùng thân tạm bợ này, không để uổng phí. Nếu không như vậy dù ta ăn ngon mặc đẹp mấy, tới chừng nhắm mắt thân này cũng trở thành thây thối mà thôi, có giá trị gì?
Thế nên khi còn sống, chúng ta cố gắng sử dụng thân cho có lợi ích, không tạo tội lỗi vừa để tốt đẹp cho bản thân vừa làm gương cho mọi người noi theo. Có thế đời sau được trở lại làm người, được thân tốt đẹp và phước đức nhiều hơn nữa. Muốn thế ta phải gìn giữ thân miệng ý, không làm những điều sai lầm, luôn luôn làm điều tốt đẹp, đó là người khéo tu. Bởi vậy phải giữ tròn năm giới, đừng để thiếu sót đời sau sẽ không được làm người tốt đẹp trọn vẹn. Đó là người biết lo cho mình. Vị nào cao cả hơn nữa nên lợi dụng thân này cố gắng ngày đêm tu hành, sao cho sớm thức tỉnh, sớm giác ngộ. Đó là tiến lên vượt hơn thân người ở mai sau nữa.
Tôi dùng một ví dụ để làm sáng tỏ hơn điều này. Như người ra biển, gặp sóng to gió lớn, thuyền bị đánh chìm. Bấy giờ người ấy bơi lội một đổi gần đuối, bỗng dưng gặp một khúc cây mục trôi lờ đờ trên mặt nước. Người ấy liền ôm khúc cây mục nên khỏi chết đuối. Nhưng khi được khúc cây mục rồi, người ấy phải làm sao? Phải tìm cách báo cho thuyền bè đi gần hay, họ cứu hoặc nếu gần bờ thì mượn khúc cây mục đó lội vào bờ. Như vậy khúc cây mục là hữu ích. Ngược lại ôm được khúc cây mục, mừng khỏi chết chìm rồi cứ ôm nó hoài, không nhờ ai tiếp cứu hoặc không lội vào bờ, kết quả sẽ ra sao? Khi khúc cây rã, người ấy phải chết thôi. Với người như thế khúc cây mục kia trọn chẳng có lợi ích gì.
Khúc cây mục dụ cho thân này, chúng ta nhờ nó mà sống làm việc này việc kia. Ta nương nó để làm tất cả điều tốt, chớ không nên ôm giữ, bảo vệ nó như kẻ ôm khúc cây. Ngày nào nó rã mục thì uổng đi một đời vô ích. Đó là chỗ thiết yếu trong việc ứng dụng tu hành.
Phật pháp khó nghe, mà chúng ta đã được nghe thì phải làm sao? Người thiếu phước duyên ít có cơ hội nghe pháp, cũng như ít có cơ hội gặp chư tăng giảng dạy Phật pháp. Bây giờ được gặp, được nghe chúng ta phải biết trân quí pháp, nghe rồi tư duy cho kỹ xem lời Phật dạy, chư tăng dạy có đúng không. Nếu nghe và suy gẫm biết rõ là đúng thì chúng ta phải thực hành. Đó là tu.
Nghe giảng kinh thuyết pháp không giống như đi nghe nhạc hoặc coi cải lương đâu. Ta không cảm thấy vui ồ ạt một chút rồi hết, mà nó rất thâm trầm. Chúng ta phải suy gẫm, nhận định mới hiểu, mới thấy cái hay của pháp. Từ đó áp dụng thực hành, ta mới thấy giá trị và lợi ích thiết thực của giáo pháp. Thực hành gọi là tu. Vị nào học Phật hội đủ ba điều kiện trên, nghe pháp, biết suy gẫm đúng và thực hành, bảo đảm vị ấy là người Phật tử chân chính, sẽ tu tiến chớ không bao giờ lùi. Được thế chắc chắn quí vị sẽ thoát khỏi những đau khổ trong hiện tại và mai sau.