Trái lại, anh B mỗi lần gặp người hoạn nạn, lòng thương dấy khởi, anh liền tìm mọi phương tiện giúp người. Một lần như thế, nhiều lần cũng thế, đến một hôm gặp người khổ mà không tìm ra phương tiện để giúp, lúc ấy lòng từ bi bị giày vò, lương tâm anh bị cắn rứt, anh tự coi như làm không tròn bổn phận của mình. Rồi anh chạy ngược, chạy xuôi, tìm cho ra phương tiện giúp họ, anh mới yên lòng. Thế là anh B đã biết khai thác lòng thương của mình càng ngày càng sâu rộng.
Em ạ! Lòng thương là một của báu vô giá, nó làm cho người này người khác thông cảm nhau. Nếu em đem một món đồ quí tặng cho người mà em không có lòng thương mến chân thật đối với họ thì món đồ ấy cũng thành vô giá trị. Nếu thiếu lòng thương, thế giới này sẽ đen tối, nhân loại sẽ đi đến chỗ diệt vong.
Ðã là của quí, ai nỡ để lòng thương phải tiêu mòn? Do đó một thiếu niên, em phải bảo vệ tô bồi cho lòng thương càng ngày càng to rộng. Tuy nhiên với tuổi trẻ của em, lòng thương dễ bộc phát, mà cũng dễ lạc lầm. Em cần phải khôn khéo hướng nó đi đúng chiều, phải chỗ. Chỗ thích hợp với lòng thương là cảnh đau khổ, chiều tươi đẹp nhất là ngọn hải đăng trí tuệ.
Ðứng trước cảnh khổ của người, em thấy lòng đau xót, ra tay cứu giúp họ. Bất luận việc nhỏ, việc lớn miễn họ khổ là em thương, em cứu giúp họ. Thế là lòng thương của em chan rải trên mọi nỗi khổ đau của người, để rồi tiêu hoại tất cả mầm đau khổ. Nhờ lòng thương đặt trong cảnh khổ, nên nó bình đẳng, không thiên lệch. Nếu có nghiêng chăng, chỉ nghiêng về đầu cân nào nặng đau khổ. Thấy người đẹp bị khổ em thương, thì gặp người mù đói khát em cũng thương. Chỉ thương ở nỗi khổ của họ, chớ không phải thương vì sắc diện, vì cảm tình. Do đó đức Phật dạy hàng Phật tử muốn khởi tâm từ bi phải quán nỗi đau khổ của chúng sanh.
Thật vậy, có cảm thông nỗi khổ của người mới có lòng thương người chân thật thiết tha. Có thông cảm sự giày vò trong cơn đói của người, em mới sốt sắng cho họ cơm. Có thấu rõ sự buồn tủi, nỗi khổ đau của kẻ tật nguyền, em mới sẵn sàng yên ủi, giúp chén cơm manh áo cho người. Trong kinh Phật có câu: "Ðời là bể khổ." Nói khổ đây, không có nghĩa để người ta chán nản, thở than, mà để nhắc nhở mọi người hãy thương yêu nhau, giúp đỡ nhau và đừng gây khổ thêm cho nhau nữa. Ðời đã khổ lắm rồi, ta hãy san sớt, đùm bọc và nâng đỡ nhau, đừng đổ dồn thêm những tảng đá nặng khi người kia đã kiệt lực. Cùng đi một chuyến tầu, rủi gặp cơn biển động, mọi người đều kinh hoàng khủng khiếp, khi ấy có những người dại sóng ụa mửa dính ta, hoặc đụng chạm vào người ta, nếu không có thuốc cứu giúp họ, không dìu đỡ họ, thì ít ra ta cũng tha thứ những lỗi cỏn con của họ.