Con người sống giữa trời đất, cả lúc thức cũng như lúc ngủ đều chịu sự tác động của vô số yếu tố vật lý như hướng gió, chiều nắng, độ ẩm, tiếng ồn, nhiệt độ..., vậy nên vị trí và phương hướng khi nằm ngủ cũng cần phải có sự lựa chọn thích hợp để đảm bảo sức khỏe và phòng chống bệnh tật.
Nằm ngủ, theo y học cổ truyền, xuân hè quay đầu về hướng đông -
Theo y học cổ truyền, để theo đúng phép dưỡng sinh, trước hết tránh nằm ngủ đầu quay về hướng bắc. Bởi lẽ phương bắc là dương ở trong dương, thuộc hành thủy, chủ hàn, trong khi đó đầu người lại là nơi hội tụ của các kinh dương, nơi chứa đựng nguyên thần. Nếu nằm quay đầu về hướng bắc thì khí âm hàn sẽ làm tổn thương phần dương của cơ thể. Khi điều tra về bệnh viêm não tại một bệnh viện ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), các nhà y học thấy rằng tỉ lệ mắc bệnh ở những người nằm quay đầu về hướng bắc thường cao hơn những người nằm quay đầu về hướng khác.
Thứ nữa, theo quan điểm “thiên nhân tương ứng” của y học cổ truyền phương Đông, nên chọn hướng nằm ngủ theo mùa mà thuận theo tự nhiên. Mỗi năm có bốn mùa thì cũng có bốn hướng nằm, hướng này tương ứng với vượng khí của mỗi mùa. Ví như khí của mùa xuân vượng ở phương Đông thì mùa này nằm ngủ nên quay đầu về hướng đông. Tương tự, mùa hè nằm đầu quay về hướng nam, mùa thu quay về hướng tây và mùa đông quay về hướng bắc.
Cuối cùng, như sách Bảo sinh tâm giám viết: “Nằm ngủ, xuân hè nên quay đầu về hướng đông, thu đông nên quay về hướng tây. Cơ sở của lý thuyết này dựa theo nguyên tắc dưỡng sinh trong y thư cổ Hoàng đế nội kinh: “Xuân hạ dưỡng dương, thu đông dưỡng âm”. Mùa xuân và mùa hè, dương khí thịnh vượng, khí dương bốc lên, mà phương Đông thuộc dương chủ thăng, đầu quay về hướng đông nhằm ứng với khí bốc lên mà dưỡng dương. Mùa thu đông thuộc âm, âm khí thu tàng, tiếm ẩn, mà phương Tây thuộc âm chủ về giáng, nằm quay đầu về phía tây nhằm ứng với khí thu về mà dưỡng âm.
Có nhiều điều cho đến nay, bằng khoa học kỹ thuật hiện đại, chúng ta có thể giải thích được. Nhưng có những điều chúng ta vẫn “biết là thế nhưng không biết vì sao như thế”. Nhiệm vụ của chúng ta là nỗ lực để “biết vì sao như thế”.